Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014





MỘT MÌNH




Nhà có 5 người. Mẹ vào nhà chị và em gái chơi chưa về, con trai đi làm khuya mới về, Gấu Mẹ đi công tác, chỉ mình Gấu con đang nghỉ Học kỳ ở nhà. Hết giờ làm lo về sớm với Gấu con vì trước đó Gấu con điện thoai ba về sớm vì trong nhà con thấy có bác Tý ghé thăm, con sợ. Về nhà còn sớm ghé tiệm hớt tóc sửa sang "quả bưởi" vì chỉ còn vài sợi le que bám vào "quả bưởi" dọn dẹp cho nó sáng sủa đón năm mới. Gấu con điện thoại: Ba đâu rồi? Đang zợt mấy sợi tóc sót. Con đi sinh nhật bạn. Thế thì ba lại phải ...đi nhậu thôi. Không. Thế ba ăn cơm với ai? Một mình. Thế thì con chuẩn bị cơm cho ba đi. Và đây là bữa cơm Gấu con chuẩn bị cho ba trước khi đi dự sinh nhật bạn. Rất chuẩn: Cơm bới đúng 2 chén, canh cá dìa thơm cà một tô, cá kho một khúc nửa con, mắm và dưa hành có sẵn. Con gái biết ba nó thích cá nên hai món chính toàn cá. Để tiện vì chỉ có một mình, trừ tô canh múc ra, còn lại để nguyên trong nồi bê lên cho nó hoành tráng. Hỏi đứa bạn con đi cùng: Ba con có lúc nào phải ăn cơm một mình như thế này không? Nó nói: Dạ không. Khi một mình thì ba con...ăn mỳ tôm. Thế con không chuẩn bị cơm cho ba con à? Dạ không...Thế đó.
Cơm con gái chuẩn bị cho, chưa thể bằng mẹ, nhưng ba ăn ngon, ăn hết và cơ bản là dẫu MỘT MÌNH ba vẫn nhận thấy hạnh phúc khi được ăn cơm con gái nấu. Đúng nghĩa một mình vì ăn cơm một mình không phải đợi ai và cũng không bắt ai phải đợi cơm.
Có con gái lớn sướng thật!
Giờ này Gấu con chưa về nên mình đã thấm thía ở nhà một mình nó trống vắng thế nào. Vợ ơi mau về thôi!


















Thích · · Chia sẻ

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Chủ nhật du lịch để trở về miền ký ức

Chủ nhật mưa, buồn. Có việc phải về quê. Ngang qua thành phố có ông bạn nối khố đang ở đó. A-lô, đang làm chi, rãnh không? Đang lang thang cà-phê, hưu làm chi đâu mà không rãnh. Du lịch sinh thái về quê tao cho mày thăm chiến trường xưa. Ừ, đi thì đi. Trên đường đi ngang qua một cái nhà hàng to đùng, bạn kể: Khi còn phụ trách an ninh của thành phố nớ, một hôm nghe anh em trinh sát báo cáo có một hội nghi là phản động sắp tụ họp tại cái nhà hàng ni. Hỏi dựa vào cơ sở nào nói thế. Trinh sát an ninh mới đưa ra cái giấy mời với cái tên hội được viết tắt là: CRKK rất hoành tráng. Bạn yêu cầu cấp dưới điều tra thật kỹ, chớ có suy luận chủ quan, vội vàng không có cơ sở và tự mình đi xác minh. Kết quả: Chỉ là cuộc họp mặt rất bình thường như bao nhiêu cuộc tụ tập bạn bè khác trong xã hội. Ông chủ nhà hàng thành đạt giàu có ngày nay đi lên từ cậu bé nghèo khó. Giờ đây muốn gặp mặt những bạn bè thời khố rách áo ôm và để nhớ đến một thời gian khổ cùng nhau lăn lộn từng ngõ ngách của thành phố để kiếm sống, họ quyết định lấy công việc mưu sinh ngày xưa để đặt cho cái hội tự phát của họ, và CRKK là tên viết tắt của nghề nghiệp mà những chú bé ngày trước dùng để mưu sinh: CÀ-REM, KẸO KÉO. "Chuyên án phát hiện một nhóm phản động" của ông bạn an ninh khép lại trong tiếng cười khoái trá của chúng tôi. Tôi lái ô-tô đưa bạn đi lại con đường mà hơn 30 năm trước chúng tôi còng lưng trên những chiếc xe đạp cà tàng mỗi bận về quê tôi. Những con đường lầy lội bùn đất giờ đã được thay bỡi nhưng con đường thảm nhựa phẳng lỳ hay bê-tông chắc chắn để xe tôi bon bon. Chúng tôi huyên thuyên chuyện cũ, bạn nhắc về cô thôn nữ thuở nào giờ đã lên chức bà nội bà ngoại, nghe hơi vẫn còn lưu luyến lắm...Chúng tôi đã có một ngày Chủ nhật du lịch để trở về miền ký ức...

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

NHỚ CHA TÔI

Mấy hôm trước một lần trong cơn say, đêm về tôi chìm trong giấc ngủ và tôi mơ thấy Ba tôi về nhà tôi, chẳng hiểu sao cả nhà đi vắng chỉ có tôi và con gái tôi gặp ông. Ổng hỏi han cả nhà, khen cháu nội gái xinh, ngoan, giỏi, ông rất tự hào cháu ông đã là sinh viên năm 2 ngành dược, cái ngành mà ông rất thích, chính ông đã cho cả cô Hai, bác Ba hồi chiến tranh đều đi học ngành dược. Cũng vội vã như hồi chiến tranh và ông nói có việc phải đi gấp, nói lại Má và cả nhà dịp khác ông sẽ về lâu hơn. Ông vẫn trẻ trung như cách đây 45 năm ngày hai cha con chia tay ở miền núi Tây Quảng Nam để tôi ra Bắc đi học. Cổ họng khô rát, tôi tỉnh giấc và không còn thấy bóng ông đâu. Một cốc nước mát làm tôi tỉnh ngủ và nằm miên man nhớ đến Ba tôi.
Đây là lần thứ hai tôi mơ thấy ông về từ khi ông hy sinh (5/1971).
Lần thứ nhất tôi mơ thấy Ba tôi là sau khi tôi từ miền Bắc về (9/1975). Lần đó tôi thấy Ba tôi trở về lành lặn, khỏe mạnh và ông cười to: Họ nhầm lẫn chứ ông không chết, ông đi công tác xa và công tác bí mật nên sau giải phóng chưa thể về được. Cả nhà mừng vui trong tiếng khóc ngậm ngùi, má tôi miệng cười mếu máo, mắt đẫm lệ. Cả nhà đang hét vang thì tôi bừng tỉnh. Má tôi hỏi: Mơ chi mà dập rầm rầm và hét to rứa con? Dạ không có chi má ơi. Tôi không dám nói là con thấy Ba về sợ làm Má buồn.
Có thể trong tôi, Ba tôi vẫn sống nên trong giấc mơ tôi ông hiện về nguyên hình lành lặn, nhanh nhẹn như khi hai cha con cùng từ đồng bằng lên núi, ông đi họp, tôi đi Bắc, mặc dù khi ông hy sinh các chú phải nhặt nhiều mãnh xác ông để chôn thành một nấm mộ và báo cho Má để đánh dấu nơi Ba nằm. Khi tôi ở trường HSMN Quế Lâm phải hơn hai năm sau ngày Ba tôi hy sinh , tình cờ gặp một anh đồng hương là thương binh cho biết tin, anh chị tôi vẫn viết thư cho tôi nhưng dấu không cho biết Ba tôi đã hy sinh, sợ tôi còn nhỏ, sốc, ảnh hưởng tới việc học hành. Tôi vẫn thường an ủi các bạn tôi khi nhận tin người thân hy sinh ở chiến trường, nhưng chẳng bao giờ nghĩ có ngày chính mình nhận tin người thân hy sinh. Từ khi nhận tin Bà tôi hy sinh, tôi vừa mong, vừa sợ nhận được tin từ miền Nam. Ở đó còn có Má tôi, chị tôi, em tôi và bao nhiêu người thân yêu của tôi ngày đêm hứng chịu bao nhiêu là bom đạn...
Ba tôi đã ra đi hơn 40 năm khi ông mới 39 tuổi, tuổi tôi giờ cũng nhiều hơn tuổi Ba tôi khi ông hy sinh gần 20 tuổi. Ba, Má tôi có 6 người con: Chị, anh tôi và 3 đứa em tôi (2 đứa đã mất trong chiến tranh). Ở nhà mỗi đứa con ông hiện giờ có treo một tấm ảnh chụp Ba tôi tay chống nạnh dáng to cao lừng lững trong bộ bà ba xám (trang phục của những người kháng chiến năm xưa), đứng ngoài cùng và các đồng đội, chỉ còn một số còn sống sau chiến tranh trong đó có ông lãnh đạo to nhất tỉnh, hầu hết đã hy sinh ở chiến trường. Mỗi ngày các con ông làm điều hay, điều dở ông vẫn đang nhìn thấy, nhắc nhở, che chở và bảo vệ các con cháu mình. các con cháu vẫn thầm báo công khi làm tốt việc gì đó hoặc mong ông phù hộ việc chi hoặc mong ông tha thứ khi có lỗi lầm chi đều đến trước mộ ông với khói nhang và những lời thì thầm cầu khấn. Cháu nội gái quỳ trước mộ dâng ông món quà thi đỗ 2 trường ĐH. Thằng cháu nội trai sau khi lấy bằng thạc sĩ đã đi làm, vẫn còn ham "đi săn" chưa muốn ba má nó lên chức ông, bà. Hôm rồi, nghỉ phép nói: Con đi về quê. Làm chi? Ghé thắp hương ông nội và ghé thăm cô Hai, cô Út. Tôi nghĩ thầm: Không biết có gây tội lỗi gì không mà zô ông nội cầu cứu, Hay là cầu cứu ông nội bày kinh nghiệm "đi săn ", Zụ "đi săn" ba không học được ông, không biết cháu nội có học được chiêu nào của ông nội không đây!
Không phải ngày của Cha, nhưng tự nhiên tôi nhớ Ba tôi, tôi ghi mấy dòng miên man sau giấc mơ được gặp Ba tôi. Còn rất nhiều kỷ niệm về Ba, hẹn dịp khác vậy...


Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

GẤU CON CHIẾN.



Nó vẫn được ba đặt cho cái tên đáng yêu là: Gấu Con.
Dạo Gấu Con học lớp 4, một hôm cô giáo gọi điên thoại mời phụ huynh đến lớp với lý do: đánh bạn. Ba đến lớp hỏi: Sao đánh bạn? Gấu con: Nó làm rơi bút của con, biểu nó lượm lên nó không lượm. Thế là bụp. Thằng bạn sợ Gấu Con không dám đánh lại, chỉ khóc và méc cô giáo. Các bạn Gấu Con: Thằng nớ đáng đánh lắm bác ơi. Ba lại phải hứa với cô giáo dạy bảo con.
Dạo học lớp 8, một hôm phụ huynh lại được trường mời lên gặp thầy giám thị để nghe kiểm điểm và giảng hòa với bạn. Lý do cũng là chuyện uýnh nhau. Ban đầu là đùa giỡn rồi có sự oan ức chi đó và Gấu Con cho thằng bạn một bợp tai, thằng bạn kia nhảy vào đấm Gấu Con và Gấu Con...khóc. Các bạn phản đối thằng kia. Chuyện tưởng đã xong nhưng sau đó các "đồng minh" của Gấu Con ở lớp khác gọi thằng kia bắt phải xin lỗi Gấu Con nếu không sẽ bị "hội đồng", thằng kia ngậm đắng nuốt cay xin lỗi Gấu Con nhưng ấm ức về méc mẹ. Bố mẹ thằng nớ phi đến tệ xá của tôi nhưng chỉ có phu nhân ở nhà. Bố mẹ thằng nớ làm hung. Phu nhân tôi điện thoại khóc bù lu bù loa. Tôi đành giải tán cuộc nhậu đang lúc cao trào phi về gấp. Về nhà thì Gấu Mẹ nhà tôi đã dẹp loạn. Sau khi khóc hồi lâu, Gấu Mẹ nhà tôi phản pháo ngay: Đúng ra vợ chồng  tôi mới là người đến nhà anh chị phản đối việc này vì... (nêu ra hàng loạt các lý do đầy sức thuyết phục) và bố mẹ thằng nớ từ cao trào thành thoái trào rút êm.
Ba thì khen Gấu Con biết tự vệ, rất dũng cảm dám chiến dù biết thua vẫn chiến. Phải dám chống lại các thế lực ức hiếp ta thì ra đời mới trụ được trong thời buổi ni. Mẹ thì cho rằng ba khuyến khích việc đánh nhau là xấu... Và quan điểm các bên giờ đây cũng không đồng thuận.
Giờ thì Gấu Con học đại học năm 2, đã đằm tính hơn, đôi lúc tỏ ra ...thùy mỵ nữa, cũng bắt đầu săm sua chải chuốt...vì Gấu Con cùng giới tính với Gấu Mẹ. Gấu Mẹ là một trong thủ lĩnh của phong trào "Bình đẳng giới" nên khi phản pháo từ thế bị động chuyển sang chủ động bắt đối phương phải tâm phục, khẩu phục rút êm.
Chuyện hai mẹ con Gấu nhà tôi, xin góp để mọi người tham khảo.

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Một trong nhiều niềm Hạnh phúc mà tôi có.



MẸ .
Đi công tác điện thoại về gặp mẹ hỏi thăm sức khỏe của bà. Sau khi kể về đau xương khớp, nhức mỏi cả người (bệnh người già và di chứng hai cuộc chiến tranh), kể về việc bà lau nhà trượt gãy...cái cán chổi lau, may thật. Càm ràm bà cứ lay hoay làm việc nhà, bà chỉ cười.
Chốt: Mi đi công tác hơn 20 ngày rồi đó , đợt này đi lâu rứa con?...
Công việc chưa xong má ơi.
Ôi mẹ tôi, tôi thì không nhớ đã đi khỏi nhà bao nhiêu ngày rồi, còn bà thì đếm từng ngày. Tôi gần 60 tuổi dưới mắt bà tôi vẫn là thằng con cần che chở. Có lần bà nói tôi: Mi là thằng ngu con ạ. Tôi khoái nhất câu này bà nói với tôi. Mà thật tôi ngu thật trong cuộc chơi ĐỜI này. Ngu thật đấy, mẹ chửi ngu vô tư, nhưng ai chửi tôi ngu thì cẩn thận chút.

CON GÁI.
Con gái điện thoại: Kể chuyện học hành, chuyện nhà... Ba ơi đợt này ba đi lâu thế.
Công việc cuối đợt đang gấp tiến độ chưa về được.
Nó nói: Hồi con còn nhỏ ba đi công tác mấy tháng mới về, con không biết. Từ khi con nhận thức được thì lần này là lần ba đi lâu nhất...
Ôi con gái tôi, 19 tuổi, thiếu nữ, với tôi nó vẫn cứ là bé con. Thiếu vắng "đồng minh" lâu, cảm thấy "yếu một cách toàn diện" nên ngõ lời cầu cứu "đồng minh" đây.
Nhiều câu trả lời cho câu hỏi: Hạnh phúc là gì?
Với tôi đang đi xa nhà, được Mẹ và Con gái quan tâm, mong về, tôi thấy thật hạnh phúc!

TCD viết từ vùng Tây Phú Yên.

Viết thêm:
Bài này để ở fa và nhận được các bình luận:
Bạn nói không công bằng..., còn người nữa đâu?
 Mình trả lời: Nỗi nhớ mong kia chỉ hai người, nói ra đây ngại lắm, nếu có nói ra thì phải nói nhiều...
Bạn nói: Người đó không nhắc đến nhưng ai cũng biết, Người đó vừa là mẹ ta vừa là bé nhỏ của ta đó...
Và rồi Người đó lên tiếng: Có nhất thiết nhớ là nói là nhớ không??? Nếu thế thì người ở nhà cũng mong người đi công tác nói "NHỚ - NHÀ"
Và cuối cùng mình lại cọp lại ý của Người đó: Có nhất thiết nhớ là nói là nhớ không???





Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014




CHUYỆN THƯỜNG NGÀY


Sáng hôm qua đi làm lại CMND vì quá cũ, đi đâu cũng bị người thi hành công vụ ngắm nhìn hơi lâu, chính mình nhìn người trong CMND cũng thấy lạ không biết có phải mình không. CA Quận Sơn Trà chỉ lên UBND Quận: À, hóa ra tập trung một chỗ các thủ tục hành là chính. Lên quận vào cửa chờ làm CMND, nhìn bảng tên : Trung úy...T, hóa ra vẫn CA mần nhưng tập trung vào phòng thủ tục hành chính riêng. Hơn 8 h, chàng trung uy tuổi con cháu xuất hiện cùng các đồng nghiêp (ko cảnh phục nên ko biết cấp bậc), cv triển khai. Đến lượt mình. "Bỏ mũ ra!" - câu nói nghe lạnh lùng như đối với phạm nhân chứ không phải "đày tớ" nói với "ông chủ". Đầu "tóc gió thôi bay" nên đội mũ mà quên bỏ xuống. Mình sai rồi. Bỏ mũ thì bỏ mũ, nhưng nghe sao nặng nề thế với bậc cha chú. Sao không là : Chú bỏ mũ xuống hay ông bỏ mũ xuống. Làm thủ tục hành là chính sao đc trung úy cứ như là tiếp xúc tội phạm, hay là ở nhà ...bị vợ la rầy...Theo tôi những nơi làm các thủ tục hành chính, hay các dịch vụ như kams chữa bệnh... nên gọi tên người kèm theo ông hay bà, những nơi công quyền sợ không nghiêm thì cứ gọi: kèm công dân... Ở bệnh viện cô nhân viên y tế tuổi 20 gọi bệnh nhận 80 tuổi : Nguyễn Văn A... nghe nó cụt là vô lễ làm sao. Tôi khó tính quá ha?

Cùng con gái trổ tài bếp núc.




Hình ảnh: Hạnh phúc gì bằng khi chồng con vào bếp!

H nào cũng H thế thôi, gọi là "xem xem"!

Hình ảnh




PHƯƠNG PHÁP CHỐNG THẤM MỚI.


Hai nhà sát tường nên khi làm nhà bức tường không được tô trát phía ngoài lâu ngày nước thấm, mốc, nhìn rất chi là...khó chịu. Bà chủ cho thợ đào hồ, bắc cầu khỉ, trồng cây...nhằm...chống thấm. Kết quả tường phòng khách là đây (ảnh). Các vị thấy hiệu quả không? (chỉ tội ...hơi tốn :"en chơi ngiến reng keng két"!!!)



Hình ảnh: PHƯƠNG PHÁP CHỐNG THẤM MỚI.
Hai nhà sát tường nên khi làm nhà bức tường không được tô trát phía ngoài lâu ngày nước thấm, mốc, nhìn rất chi là...khó chịu. Bà chủ cho thợ đào hồ, bắc cầu khỉ, trồng cây...nhằm...chống thấm. Kết quả tường phòng khách là đây (ảnh).  Các vị thấy hiệu quả không? (chỉ tội ...hơi tốn :"en chơi ngiến reng keng két"!!!)












Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Gặp lại chiến hữu



Vợ chồng Bé trước ở Lao Bảo 1998, nay về Huế mở Nhà hàng.

Hình ảnh

Ảnh trong ngày Giỗ Hội

Hình ảnh

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

TRÁI TIM BỊ NGHI NGỜ


Có một cơn tức ngực, cũng đã qua lâu. Chợt nhớ, đi khám. Bs nghi ngờ tim. Là hàng loạt các xet nghiệm, chụp CT, kt "gắng sức"...vẫn nghi chưa rõ. Nhập viện, lại xét nghiệm ktra siêu âm và nghi hẹp mạch vành. "Thọt mach, tim, chụp ktra". Chỉ ktra mạch vành bên trái, mạch vành phải...chịu.  Hơn 2 giờ đồng hồ nằm trong phòng mổ, vợ bên ngoài...không chịu được "nhịêt" thế là đt tùm lum và...ta thành "ca mổ Tim". Khiếp.
Vẫn chưa kết luận được chi cả, bs bảo chờ để nhờ máy CT của BVUT  mới, mạnh hơn để chụp mới kl được. Lay hoay đã ở BVC 1 tuần. Chụp CT ở BVUT: chụp một lượt 3 lần, chưa được. Lại thêm hồi hộp. Chụp lại lượt 2 và chờ đến chiều mới có kq. Buổi chiều kq: không bị tổn thương. Tim mạch bình thường. Bs điều trị : Xin chúc mừng vì nguyên nhân làm cho "Câu hát vang lên bỗng đứt nửa chừng..." được loại trừ. Chỉ phải canh chừng HA. Kết thúc BVC ĐNa: 8 ngày. Các chiến hữu nghe tin tưởng tim bị xẻ thịt, vào thăm bắt phải phanh ngực ra ktra mới  tin là : không sao cả, "vũ như cẩn" thế là trước khi ra viện, ra quán cổng bv làm tí ăn mừng. Hú cũng được gần chục chiến hữu HSMN.  Về nhà bị nữ đồng chí kiểm điểm khuyết điểm tái phạm quá nhiều và có hệ thống, may mà hết học ở trường HSMN chứ không lại hạnh kiểm yếu .










 Đôi điều con trai trước khi vào "phòng mổ"

  Hoa nhà Tuấn - Hồng tặng


 Điện cưc đo tim


 Nữ đòng chí trải chiếu nằm canh bệnh nhân




 BVC DNa nhìn từ phòng bệnh


Một góc  Thành phố ĐNa từ trên cao


 Cắt tóc trước khi ra viện


Kết luận cuối cùng

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Chiêu đãi nhân ngày mùng 8 tháng 3


Chiều mùng 8 tháng 3 năm 2014. tại NH 190 THT, Trần Gia đã mở tiệc chiêu đãi trọng thể Hội Phụ nữ Trần Gia. Dự tiệc có hai người con gái Họ Trần (quan hệ Bà - cháu), hai người con dâu Họ Trần (quan hệ Mẹ chồng - nàng dâu) và Chủ NH 190 THT, trợ lý chủ NH 190 THT Thân Thiện vắng mặt vì bận lo kiếm "xèng". Buổi tiệc diễn ra trong không khí đầm ấm và hữu nghị, có bia xanh và có cả hoa tươi của Giám đốc NMCKCT FOCOCEV tặng. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ.












Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

NHÀ HOA, HOA NHÀ

           Có một ngôi nhà nhỏ với giàn hoa giấy đẹp lung linh, tồn tại sừng sững, luôn vươn lên, vượt qua bao nhiêu sóng gió để sinh tồn. Bên ngoài ngôi nhà hoa đã đẹp, bên trong ngôi nhà "Những bông hoa" qua bao năm tháng thăng trầm vẫn lung linh không kém giàn hoa ngoài nhà.