Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

TẢN MẠN THÁNG MỪOI MỘT

      Tháng 11 có ngày 20 làm ta cứ nhớ những ngày xưa ấy ở Quế, nhớ thầy cô má (cụm từ này nó cũng chỉ là tài sản riêng các trường HSMN) và cả các chú, các bác, các bạn ta và nhớ cả ta...ngày xưa. 
      Tôi từ rừng rúc ra đến Hà Nội tháng 4/1970, nhập trại T64, gần gò Đống Đa được gắn mạc: Thiếu nhi Miền Nam để đến tháng 8/1970 mới chính thức được gắn mạc: HSMN khi gia nhập cộng đồng Quế, nhưng vẫn với bộ dạng đồ bà-ba xám (mẹ may cho trước khi theo cha lên rừng để ra Bắc), dép cao-su (các chú giao liên trên đường Trường Sơn cắt cho để thay đôi dép rọ nhựa màu trắng sợ máy bay địch phát hiện) và đặc sản bịnh sốt rét với nước da xanh dờn, tóc rụng còn mấy cọng lơ thơ (chắc là TGTB ngày nay là do di chứng thời đó chăng?!!!). Khởi động ...lớp Một ơi lớp Một. Đây cũng là hậu quả của chiến tranh: học xong lớp Vỡ lòng hè 1964 (ngày nay thì nó chính là lớp Một), năm học 64-65 tôi vào học lớp Năm (không phét đâu: Tiểu học Miền Nam lúc đó có 5 lớp, lớp nhỏ nhất là lớp Năm, lớp cuối cấp Tiểu học là lớp Nhất). Tết năm 1965 quê tôi được Giải phóng. Thầy cũ ra Đà Nẵng tránh đạn bom, thầy của Cách mạng dạy, lúc này thì tôi lại là học sinh lớp Một (học sinh vùng Giải phóng mà)...rồi thầy nhập ngũ, thầy mới thay, rồi bom rải trên quê tôi: trường cháy, thầy mất vì bom và rồi quê tôi thành vùng trắng (không có dân), tôi theo mẹ trên những nẻo đường tản cư tứ xứ, việc học hành gián đoạn và lúc này quá ác liệt nên chuyện sống chết mới là quan trọng...và vì thế vẫn không qua lớp Một để khi nhập môn HSMN ở xứ Quế tôi vẫn giữ nguyên lớp Môt. Là HSMN ở Quế, nhưng lại chỉ hơn mỗi lớp Vỡ lòng trường Võ Thị Sáu còn lại trên mình những 6 lớp từ lớp 2 tới lớp 7 nó cứ tức thế nào ấy. Thấy mấy đội Quế cấp II lúc ý có tên tuổi lớn hơn mình nhưng nhiều tên bằng hoặc nhỏ hơn mà...bắt ghét. Cái lớp Một C của tôi năm đó do Cô Phạm Thị Mỵ chủ nhiệm cái ngữ tôi chỉ là hạng trung tuổi, Lớn nhất là đại ca lớp trưởng Nguyễn Văn Lân (đã mất) và chị Nguyễn Thị Tâm (Béo) sinh năm 1954.  Giờ thì mình biết lúc đó lớp 5 có Ráo, HHP,P-P, VAV< PĐ...lớp 6 có MF, XH, LĐT, KC.. . lớp 7 có MH... . Rồi Cấp I NVB nữa đội Ráo em, UL. Đỗ...nhỏ hơn nhưng cũng gát mình 2 lớp, không ghét mới là chuyện lạ. Ấy là chuyện ngày xưa thôi, bây giờ thương không hết lấy đâu ra mà ghét bỏ, Quế ơi! (Tổng kết đời đi học: lớp Một là lớp mà tôi nhuận lâu nhất: 7 năm, khiếp chưa. Tôi mà không học giỏi nhất cái lớp Một C của tôi năm đó mới là chuyện lạ). Hè năm 1971 hầu hết lớp Một C của tôi theo thầy Phong (nghe đâu thầy đã mất, tháng 11 lại nhớ thầy, thầy ơi!) "băng lớp Hai". Lớp chúng tôi học ở khu lớp học của cấp II NVB. Cùng "băng" với chúng tôi năm đó Cấp I có 2 lớp Hai, một lớp Ba (có tên Gà Luộc -ĐCS) và lớp Sáu của thầy Đồ, Tấn Mai, Minh Tâm...Nên có thể nói tôi cùng học vượt với thầy Đồ chỉ khác thầy Đồ lớp Sáu tôi lớp Hai, oai nhé. Nhưng hè năm 74 rồi tôi cũng "băng" lớp Sáu để gỡ lại những năm nhuận lớp Một, với lý do "nhuận do chiến tranh" nhé, kết thúc đoạn đời 5 năm làm HSMN ở cộng đồng Quế tôi mần được 7 lớp hết cấp II MB để về lại MN. Lớp "băng" của tôi năm đó toàn tuổi lớn chỉ có lớp là nhỏ thôi (lớp 2 mà lớn nỗi gì), nên thầy Phong dạy ngoài đề cũng nhiều. Tôi nhớ năm đó chúng tôi đã nghe thầy kể và phân tích  chuyện tình bạn giữa Lưu Bình và Dương Lễ. Thầy cũng đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam để rồi câu thơ theo tôi cho tới nay :
 "...Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm,
Có những ngày trốn học bị đòn roi... "
Nhưng mà thầy ơi, Lũ Quế ngày nay thì nhập tâm nên thấy nơi nào cũng có chim, có bướm là chúng nó cho là Quê hương hết trọi, chúng yêu tuốt. Có nhiều Quế sang tận trời Tây yêu Quê hương vì ở bển cũng nhiều chim nhiều bướm mà còn sặc sỡ hơn là chim bướm ở quê Việt. Hậu sinh khả ố thầy ơi.
          Tôi nhớ tháng 9 năm  1971 tôi vào lớp Ba. Mùa đông năm đó tuyết rơi, lũ Quế lớn nhỏ đều như những cái nấm di động phì phò ra khói. Lớp Ba nhé, bây giờ kho chữ nghĩa cũng coi như  tàm tạm. Thầy Phong giao lại lớp cho Cô Mỵ  chủ nhiệm. Ngày đó chưa có "Ngày Nhà giáo Việt Nam" mà là "Ngày Hiến chương quốc tế  nhà giáo". Đoàn Đội phát động phong trào làm báo tường chào mừng ngày 20 tháng 11 ( Cấp I NVB lúc đó có đoàn viên là hs nhé, nhớn nhiều mà). Vẽ thì còn được chứ viết cái chi đây, lũ chúng tôi lao nhao kêu khó với cô. Cô giáo Mỵ  hướng dẫn chúng tôi làm báo tường, tôi nhớ cô nói thì cứ viết cảm tưởng của mình đối với ngày 20/11, về trường lớp, bạn bè thầy cô má, nhất là phong trào thi đua học tập vì Miền Nam thân yêu. Văn xuôi nghĩ sao viết vậy còn thơ thì cô bày ví dụ:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
Cả lớp tưởng làm báo khó hóa ra dễ ợt, nhất là làm thơ. Tôi nhớ tờ báo tường năm đó của lớp 3E chúng tôi( lớp tôi "băng" lên nên chỉ còn E) có tên là "Vươn lên" cũng là do cô giáo Mỵ đặt cho. Tôi nằm trong tổ làm báo tường nên được đọc nhiều bài báo của các "nhà báo" lớp tôi năm đó. Văn xuôi thì thường mở đầu: Em xin phát biểu cảm tưởng về ngày Hiến chương quốc tế nhà giáo.  Kết thì: Em xin hứa cố gắng học tập tốt vì Miền Nam thân yêu. Thơ thì hầu hết mở đầu:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
hoặc " Hiến chương nhà giáo đến rồi..." và rồi tiếp nhận những thành quả các lớp trước:   
" ...Thèm tường từ thấp đến cao,
Thầy nâng em hái vì sao trên trời...".  
Sau này nghiên kiú về cộng đồng Quế, tôi mới biết câu:
"Hai mươi mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..." 
là tài sản chung của cộng đồng Quế chứ không của riêng Quế lớp nào, ngày nay Quế có thể xếp "nó" là "Di sản văn hóa phi vật... nhau" vì nó cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết Quế, mà đã Quế rồi thì sao lại "vật nhau" mà phải là "ôm vật nhau" mới đả.
Với hai câu thơ nớ, cô giáo Mỵ đã dạy cho tôi cách gieo vần và là bài học đầu tiên của tôi về thơ lục bát, để bây giờ tôi có thể ứng khẩu nhanh như Quế:
" Tháng mười một, ngày hai mươi,
Nhớ lại chuyện cũ, tôi cười cả đêm..."

 Ví dụ bây giờ giữa đám đông ta nghe có ai đó đọc thơ:
"Hai mươi, mười một đến rồi,
Lòng em sung sướng bồi hồi biết bao..."
hoăc "...     ..............đến rồi
.......................sung sướng bồi hồi biết bao..."
Nếu là người lớn thì đích thị là Quế, còn trẻ thì Quế con, hoặc Quế cháu, ít ra thì cũng  là quế họ hàng. Tin không, chắc nụi răng hổng tin được.

         Và tôi thuộc cả bài thơ của Quế được nhiều thế hệ HSMN chép đi chép lại  mà tôi đã từng nhắc tới ở chợ Chồm Hổm, tôi thấy hay mà chẳng biết tác giả nào? (không biết có đúng không? Có ai biết không?):

"Một chiếc cầu bắc qua sông lớn,
Một công trình xây dựng nguy nga,
Một Nhà thơ, một họa sĩ...
Tất cả,
Tất cả, 
Bắt đầu từ chữ "A". "

Sáng nay nghe câu hát""...Nếu có ước muốn cho cuộc đời này, Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại..."
Nghe thì cũng hay thật, nhưng nếu mà "thời gian mà trở lại" thật thì...có mà loạn. Thôi cái qua rồi thì NHỚ thôi, thế cũng đủ lắm rồi, phải không Quế yêu?
Tháng mười một có ngày hai mươi, nhớ một tí, tản mạn một tí, Các Quế chịu khó coi hàng nhé.
Tháng  11 năm nay bão tố, lũ lụt...trong nước, ngoài nước...đau thương tang tóc. Hải Yến không ghé thăm Miền Trung cũng là một may mắn, nếu không thế thì Tết này bà con ta nhiều nhà không có Tết.  Nếu mà Hải Yến ghé ĐNa thì... thật sự là tôi không dám nghĩ tiếp. Ngay giờ này bà con các vùng Miền Trung cũng đang chống chọi với nước lũ do thiên thì ít mà do nhân thì nhiều (Thủy điện tham tích nước, tiền mà, chừ thì xả lũ, "sống chết mặc bay".). Khốn!

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Kính chúc các Thầy, Cô, Má, các bác, các chú của HSMN nói chung  lớn và của Quế nói chung nhỏ, Các Quế Giáo và tất cả chúng ta: Mạnh khỏe, vui sống hạnh phúc! Ai còn cơ hội lượm xèng thì lượm được kha khá. 
Em xin hứa cố gắng sống tốt để không phụ lòng nuôi dạy của Thầy Cô Má ngày xưa!!! ( Văn Quế chính hiệu nhá!)