Thư gửi Cha,
Khi con viết lá thư này thì Cha đã vào cõi vĩnh hằng đúng nửa tuần trăng. Không biết linh hồn Cha có cảm nhận được không, nhưng con vẫn viết, viết để trải nỗi lòng của con Cha à!
Cha ơi, con biết Cha yêu quý con vô cùng bởi con là con gái đầu lòng của Cha. Đứa con của những năm tháng mỏi mòn chờ đợi. Cha kết hôn với Mẹ sau gần 10 năm ra Bắc tập kết và đến 5 năm sau mới có con. Con còn nhớ, Cha, Mẹ kể niềm vui khôn xiết khi con chào đời. Có lẽ vì nhớ quê hương da diết, vì cảm ơn miền đất quê vợ đã trao cho Cha hạnh phúc lớn này nên Cha, Mẹ đã đặt tên con mang ý nghĩa kết nối giữa hai miền quê “Thu Hà”. Thu nhắc Cha gợi nhà dòng sông yêu dấu của quê hương đất Quảng, Hà là Hà Tĩnh quê Mẹ, cũng còn có nghĩa là dòng sông. Con tự hào lắm vì cái tên vừa đẹp, vừa nghĩa tình sâu sắc đó lắm Cha à!
Dẫu sau đó, Cha, Mẹ đã có thêm được nhiều đứa con gái đáng yêu, nhưng con luôn cảm nhận được tình yêu đặc biệt Cha dành cho con. Có thể con là báu vật đầu tiên Cha có được. Có thể là tuổi thơ của Con đã gắn bó với Cha nhiều nhất. Có thể là con đã không phụ lòng mong đợi của Cha – trên nhiều nghĩa…Chưa bao giờ con hỏi Cha điều đó, nhưng con cảm nhận và tin tưởng như thế.
Kỷ niệm của Cha và Con nhiều, nhiều lắm. Con cũng đã từng ôn lại nhưng có khi đứt đoạn bởi những dòng suy tư khác. Còn hôm nay thì nó ùa về khôn xiết. Cha con mình cùng ôn lại Cha nhé!
Tối nay đang bị cảm lạnh nên con nhớ đến những nồi nước xông Cha nấu cho con. Hồi đó, Cha thường cho con theo Cha ra thành phố Vinh - nơi Cha công tác. Cái tuổi thơ nghịch ngợm làm sao tránh khỏi ốm đau, nhất là những ngày lạnh buốt. Mẹ làm y tá nên hay dùng thuốc Tây y hơn, còn Cha, thích xông thuốc Nam lắm nên Cha thường bắt con cũng xông khi bị cảm – cái món mà lúc đó con sợ nhất trên đời. Nhưng cũng nhờ Cha mà sau này con rất khoái xông đấy Cha ạ!
Thành phố Vinh đang hiện ra trong con với những hình ảnh lơ mơ mà con đang cố ghép lại bởi lúc đó con mới chỉ 5, 6 tuổi thôi mà. Ở với Cha con mới được thưởng thức những gói xôi nóng hổi Cửa Nam, mới được ăn nhiều bánh kẹo, mới được xem phim, chứ nơi Mẹ và các em ở mấy khi được thưởng thức những thứ đó vì đấy là vùng quê hẻo lánh trong chiến tranh.
Nhắc đến chiến tranh, con lại nhớ những lần nghe máy bay gầm rú, dù ở đâu Cha cũng cuống cuồng đi tìm con, bế con vào hầm, đậy nắp lại, rồi mới lo đến những việc khác. Chắc lúc đó Cha lo lắng lắm, còn con thì có biết gì đâu, thậm chí còn thích nữa chứ!
Tuổi thơ con gắn với những năm tháng chiến tranh và đó cũng chính là thời gian con được ở gần Cha nhiều nhất. 1975, con tròn 9 tuổi và đã cảm nhận được phần nào niềm vui của chiến thắng, hòa bình. Một lần nữa con lại được diễm phúc theo Cha trong thời gian khá dài. Được về quê Nội sau 3 tháng giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Ngỡ ngàng trước phố xá đông đúc, phồn hoa (trong con mắt con hồi đó). Được gặp những người con chưa bao giờ biết trong nước mắt, nụ cười. Cha thì vui lắm. Con nhớ là Cha đã thức rất nhiều đêm để hàn huyên với Cô, Chú, bà con. Lon ton chạy theo người lớn ra phố ngắm nhìn những con búp bê xinh xắn và ước mơ có một con búp bê khi trở ra Bắc để ôm ấp, để khoe với bạn bè. Sau này, có lúc con đã trách Cha về điều này vì Cha đã không hiểu nổi lòng con trẻ. Hồi đó hầu như ai từ Miền Nam ra cũng lắc lư trên ba lô con búp bê để tặng con gái. Thế mà, con theo Cha vào Nam hai tháng ròng, nhưng khi trở ra Bắc không thỏa được khát khao ấy! Sau này, có con gái, con đã bù đắp cho nó không biết bao con búp bê như bù đắp cho chính mình đó Cha à!
Cách đây hơn một tháng, ngồi trong sân vận động Chi Lăng dự Lễ kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, con cứ nhớ mãi cái ngày Cha đã cố rẽ dòng người đông nghịt để đưa con vào xem lễ mừng quê hương giải phóng. Lần đâu tiên con được chứng kiến những đoàn người ăn mặc trang trọng, chỉnh tề diễu hành răm rắp. Nhớ nhất là những tà áo dài của các cô, các chị đẹp làm sao, lạ lẫm làm sao vì ở Miền Bắc chưa bao giờ con thấy.
Sau chuyến về quê Nội con lại trở ra Bắc cùng Cha. Con không nhớ mình đã kể với mọi người bao nhiêu lần, trong thời gian bao nhiêu về những cảnh tượng, về những cảm nhận của chuyến đi đẹp đẽ này.
Cha ạ, có lẽ sau chuyến đi ấy là nối tiếp những chặng đường gian truân của gia đình mình. Mẹ sinh con thứ 5, cũng là con gái. Hình như hồi đó Cha buồn lắm vì mòi mòn chờ đợi đứa con trai. Và Cha đã đặt tên em gái là Nguyễn Hữu Quảng. Tên của con trai dòng Nguyễn Hữu, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Ai cũng ngạc nhiên vì cái tên ấy nhưng âu cũng là niềm an ủi của Cha! Rồi sau đó là những ngày tháng Mẹ ốm đau liên miên, Cha thì công tác ở xa. Chúng con sống được là nhờ sự bảo bọc của cậu ruột và những đồng nghiệp của Mẹ trong khu tập thể nhà máy. Và con cũng không biết hồi đó sao mình có thể đảm đương được vai trò giữ 4 em nhỏ, lo cơm nước, giặt giũ cho cả nhà mỗi khi Mẹ ốm nằm viện, em chỉ mới đầy 6 tháng tuổi. Có lẽ hoàn cảnh tạo ra buộc mình phải chấp nhận, phải nổ lực thôi phải không Cha, kể cả những năm tháng sau này?
Hai năm sau giải phóng, Cha trở về quê hương cùng hai em gái. Con ở lại với Mẹ và 2 em thêm một năm nữa mới cùng vào. Bây giờ con vẫn còn nhớ mãi chuyến tàu di cư của đại gia đình mình lúc đó. Một chuyến tàu ì ạch vì quá đông người và phải tăng bo ngay giữa núi rừng heo hút như báo hiệu một tương lai không mấy sáng sủa phía trước. Đưa vợ con vào nhưng Cha nào có một tấc đất, một căn hộ nào đâu! Xuống tàu, lên xe về Đại Lộc, cả nhà phải tá túc ở nhà người chú họ một thời gian. Sau đó chuyển về khu tập thể cơ quan Cha. Con nhớ cũng không lâu, gia đình mình lại chuyển vào khu tập thể cơ quan Mẹ - dãy nhà tranh vách tre tạm bợ của một công trường thủy lợi. Đến bây giờ con vẫn chưa hết hãi hùng về những trận lụt ở vùng trũng sâu ấy. Nhà dân ở đó mới vào đến sân thì nơi gia đình mình ở đã ngập đến nóc rồi. Nên mỗi khi mưa lớn, nước dâng là cả nhà lại bưng bê đồ đạc di chuyển qua nhà hàng xóm. Người nông thôn lúc đó giàu tình người thật. Những gia đình nơi cao ráo hơn sẵn lòng cho mọi người trú ngụ, ăn uống trong những ngày lụt lội mà không một chút than phiền (hoặc có thể có, nhưng ít thôi nên trẻ con như con chưa cảm nhận được). Bây giờ, cả nhà mình đã ở thành thị, không còn chịu cảnh lũ lụt như xưa, nhưng những hình ảnh ấy vẫn luôn đọng trong tâm trí con, vừa buồn, vừa vui Cha ạ!
Thời gian sống nơi miền quê cũng khá lâu. Đủ để cho gia đình mình nếm trải những buồn vui. Vui cũng nhiều bởi cuộc sống gia đình có nhiều đổi thay, cải thiện. Những buồn cũng không ít phải không Cha? Với con, hai nỗi buồn lớn nhất. Một là, dù con đã cố gắng học hành, rèn luyện; cố trải lòng hòa quyện nhưng nhiều người vẫn xem con như “người của thế giới khác”, bởi chỉ đơn giản là con là con của Cha – người Cộng sản; con nói giọng nói của quê ngoại yêu thương! (kể cả đến bây giờ, giữa đô thị có 32 dân tộc anh em, với giọng nói của nhiều địa phương, đôi khi con vẫn bị thiệt thòi vì chất giọng này đấy Cha ạ!). Nỗi buồn thứ hai, lớn gấp vạn lần của con và Cha, của cả gia đình mình là sự ra đi đột ngột của Mẹ. Mẹ ra đi mà không có một lời từ biệt năm đứa con gái Mẹ đã mang nặng, đẻ đau, đã kham khổ nuôi nấng. Mẹ ra đi để lại Cha đã 76 tuổi đời, các em còn nhỏ dại. Còn nhớ, khi Mẹ còn sống, có mấy khi Cha quan tâm đến chi tiêu, quán xuyến việc nhà đâu bởi những việc đó dường như Mẹ đảm đương. Vậy mà, Mẹ đi trước, Cha mới bắt đầu tập tành làm Mẹ của các con. Vụng về nhưng thật đáng trọng, đáng thương!
Rồi bằng nổ lực và cả cơ may, gia đình mình đã quy về một mối nơi đô thị này. Con lại có được những năm tháng gần Cha sau 20 năm vừa đi học, vừa có chồng xa. Nhưng những năm tháng ấy mới ngắn ngủi làm sao! Chưa đủ cho con được chăm sóc Cha chu đáo như con mong đợi. Đôi khi con đã biện hộ cho mình do công việc gia đình, cơ quan khá bộn bề; sức khỏe không tốt. Khi Cha mất rồi, dù con đã cố gắng tự an ủi mình và nói với mọi người rằng Cha đi như thế là thanh thản, là bớt nỗi đau tinh thần lẫn thể xác bởi thân hình khô héo, bệnh tật; Cha đi về kẻo Mẹ đợi lâu rồi – 12 năm, nhưng trong thâm tâm con lại tự trách mình, giá như mình dành thời gian để gần Cha, để chăm sóc Cha nhiều hơn thì có thể Cha còn ở lại trên cõi đời này một thời gian nữa. Cha ơi, Cha có trách con không? Cho con ngàn lần xin lỗi Cha, Cha nhé!
Bây giờ mỗi lần qua nhà Cha, con không được nắm tay Cha, không được hỏi han, chuyện trò; không được Cha “giao nhiệm vụ” nữa. Mặc dầu con trai đã lập gia đình, nhưng dường như những việc to, bé trong nhà Cha vẫn tin và giao cho con hoặc hỏi ý kiến của con. Thường thì con làm tròn vai trò đó, nhưng đôi khi con cũng cảm thấy mệt mỏi vì con muốn được nghỉ ngơi, muốn được sống cho riêng mình nhiều hơn. Như thế là ích kỷ phải không Cha? Cha có tha thứ cho con vì những điều như thế không?
Những ngày bên quan tài của Cha, nhìn cậu út quỳ lạy, đọc bài cúng con mới cảm nhận được hết niềm vui của Cha khi cậu út ra đời. Cha đã hét lớn từ ngoài cổng khi từ bệnh viện về “các con ơi, con trai!”, “đại thắng”…Các con gái của Cha cũng đều nhảy cẫng lên chia sẻ niềm vui với Cha, niềm vui của đại gia đình. Cũng chính niềm vui bất ngờ, to lớn ấy nên Cha đã đặt tên cho cậu út là “Nguyễn Đại Thắng” mà lẽ ra là “Nguyễn Hữu Thắng” theo dòng tộc của làng Châu Bí, Điện Tiến của Cha. Cũng không thể trách Cha, Mẹ mong đợi đứa con trai được bởi truyền thống phụng thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở phương Đông phần lớn vẫn dành cho con trai. Có cậu út, Cha, Mẹ mãn lòng, chúng con có chỗ để đi về nhang khói theo truyền thống tổ tiên, âu cũng là một niềm hạnh phúc của gia đình mình phải không Cha?
Còn biết bao điều, bao kỷ niệm muốn tâm sự cùng Cha cho đỡ nhớ, cho nhẹ lòng, nhưng đồng hồ đã điểm qua thời khắc của ngày mới nên con phải dừng để ngày mai lại hòa vào cuộc sống với bộn bề lo toan.
Xin gửi những dòng này đến những người thân để cũng ôn kỷ niệm, để nhớ về Cha. Xin gửi đến những người xung quanh tôi những dòng chia sẻ này, để những ai đó còn Cha, còn Mẹ, hãy cố gắng dành nhiều hơn thời gian, tình cảm và sự chăm sóc đối với Mẹ, Cha; để một mai Mẹ, Cha không còn nữa đỡ tiếc nuối vì những điều mình chưa làm được cho trọn nghĩa, trọn tình!
Sơn Trà, ngày 7/5/2010.
Thu Hà
Cảm ơn chồng đã sẻ chia!
Trả lờiXóa